dsc04076
Tôi sanh ra và lớn lên trong một hẻm nhỏ ở Saigon. Ông bà nội lên Saigon trú ngụ chốn này vì xung quanh hầu như là bà con thân thuộc cùng quê hương xứ sở gốc gác.
Con hẻm của tuổi thơ tôi là một xóm người Hoa điển hình. Chợ Lớn cách đó không xa, nghe Mẹ kể là hồi mới về làm dâu Bà Nội hay dẫn Mẹ đi bộ ra chỗ đèn năm ngọn nổi tiếng của khu Chợ Lớn, Ba thì hoài niệm về ngày Tết hồi xa lắm, Bà Nội dẫn Ba ra chùa Minh Hương ngay gần đó. Mỗi năm đến mùa tháng 7 Âm Lịch, con nít xóm trong xóm ngoài nhộn nhịp cả tháng vì hết nhà này đến nhà khác xíu día (xíu vía?) cúng cô hồn.
Xóm người Hoa nên ồn ào, được cái không xô bồ chợ búa. Con hẻm không dài, từ đầu hẻm đến cuối hẻm mười lăm hai mươi căn nhà phố. Đầu hẻm ngày xưa là bà Lò Bánh. Tiếp nối theo là một vài nhà hình như cũng bà con đâu đó vòng vòng xa lắm nhưng vì ít qua lại nên tôi không nhớ. Cách nhà tôi hai căn là nhà ông Tám Chuột, cũng không hiểu sao gọi ông Tám Chuột nữa. Nhà tôi nằm gần cuối hẻm, một bên là nhà ông bà Tám quê Cầu Kè, một bên là ông bà Xị mà Ba Mẹ tôi hay gọi Củ Kiểm Xị. Đối diện nhà tôi là ông bà Bò Viên cùng cô con gái tên Múi (thiệt ra nhỏ lớn tôi cứ tâm niệm trong đầu là tên Muối, nhưng giờ nghĩ lại thì chắc không phải) và người con trai tên Tỉ. Cạnh đó là nhà bà Xừng Hủ Tiếu và nhà ông Tử sửa xe. Một vài căn nhà tiếp theo đó thuộc về bà Mười. Bà Mười có thể coi như đại gia của xóm này. Nghe kể rằng ngày xưa nguyên dãy nhà nửa cuối hẻm là của bà cho thuê, rồi dần dần bán lại cho khách thuê nhà, chỉ giữ lại một vài căn rộng rãi sau này cho mấy đứa con trai. Căn nhà cuối hẻm thuộc về ông Tám. Ông Tám này hình như là thành phần trí thức tiểu tư sản ngày xưa.
Nhà bà Lò Bánh rộng lắm, nguyên tầng trệt dành làm xưởng bánh. Bà làm bánh theo mùa, rộn rịp nhất là mùa Trung Thu. Trước Trung Thu cả tháng trời đã thấy nhà bà tích củi đặng đốt lò nướng bánh, rồi chồng bà và mấy đứa con trai sẽ nhào bột, làm nhưn, nướng bánh trung thu mùi thơm lừng bay khắp xóm. Tôi hông biết trong lúc chồng con nướng bánh bà làm gì. Chỉ thấy bà vận bộ đồ bộ, mang đôi guốc đi lộc cộc khắp nơi, gặp ai cũng cười tươi rói khoe hàm răng bọc bạc, bọc vàng. Chắc bà đi bán bánh! Bánh Trung Thu nhà bà làm ngon nổi tiếng, nhưn bánh chất lượng, lòng đỏ trứng muối thì khỏi chê, ai muốn bánh mấy trứng thì đặt mấy trứng. Bánh Trung Thu lúc đó cũng đơn giản, nhưn dừa, đậu xanh, hạt sen, thập cẩm chứ không như bây giờ bày đặt gà quay, vi cá, nhưn trà xanh tùm lum tá lả tam tinh. Lạ thì có lạ chứ cũng hông ngon bằng cái bánh của ngày xưa cũ. Rồi một thời gian qua, khoảng lúc tôi lớp 7 hay 8 gì đó không nhớ rõ, nhà bà không làm bánh nữa, bán nhà dọn đi nơi khác. Thi thoảng tôi vẫn thấy bà về xóm chơi. Xóm mất đi một lò bánh truyền thống.
Nhà ông Bò Viên đối diện có xe bò kho hủ tiếu bò viên, bán từ chín rưỡi tối tới ba bốn giờ sáng. Bò viên là ông tự làm nên cả xóm ai cũng thích, viên bò dai dai, có thịt bò thiệt chớ hổng phải ba cái chất tạo vị, chất làm dai quỷ yêu như bây giờ. Bò kho cô Múi nấu đậm đà, thơm lừng mùi gia vị, bò mềm nhưng không bị xảm, miếng gân bò thì dai dai xực xực, thiệt hông có chỗ bò kho nào ngon bằng. Mỗi đêm sau lúc bà Bò Viên, cô Múi đẩy xe đi bán, ông Bò Viên bắc cái ghế xếp ngồi trước nhà phe phẩy cây quạt, miệng ngâm nga vài khúc hát tiếng Hoa. Tôi nghe không hiểu nhưng chắc là mấy bài hát trong kinh kịch. Giọng ông ngâm nga trầm bổng lên xuống như cơn gió mát giữa đêm mùa hè.
Lâu lâu, mẹ tôi phá lệ dẫn tôi ra xe bò kho hủ tiếu bò viên của cô Múi bên kia đường ăn khuya. Dưới bóng đèn khuya vàng vọt, xe hủ tiếu như một đốm sáng lẻ loi giữa đêm ma mị đầy cuốn hút. Cô Múi cần mẫn đứng múc hủ tiếu mì cho khách bên hai nồi nước nghi ngút khói. Bà Bò Viên ngồi múc tương và sa tế ra chén, khách nào thích tương không thì lấy chén tương không, khách nào thích vừa tương vừa sa tế thì cũng có sẵn. Quanh xe hủ tiếu bày hai ba bộ bàn ghế con con. Cô Múi với bà Bò Viên lúc nào cũng nhìn tôi cười hiền, A Mẫn nay ăn gì!
Bây giờ ngồi nhớ lại, những buổi ăn khuya đó cứ như một giấc mơ xa xôi. Một giấc mộng tuổi thơ xa vời nhưng tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ.
Bà Bò Viên lâm bệnh nặng rồi mất. Từ đó, tôi cũng ít thấy ông Bò Viên ngồi ngâm nga như ngày xưa, có chăng cũng là những bài hát rời rạc, u buồn. Rồi ông Bò Viên cũng đi. Ngôi nhà giờ còn cô Múi với anh Tỉ. Cô Múi một thời gian bệnh thập tử nhất sinh tưởng chừng không qua khỏi, xe hủ tiếu bò viên cũng bớt đi sự nhộn nhịp của những ngày cũ. Ngày tôi đi, cô lì xi tôi một hồng bao kèm chai dầu gió đỏ.
Hổm nghe Mẹ nói cô Múi bữa mất rồi, tôi cảm tưởng như một mảnh tuổi thơ tôi vụn vỡ tan vào hư không. Ngày bé dại, tôi cứ tưởng mọi sự là vĩnh cửu. Những con người tôi được gặp, những sự việc hàng ngày diễn ra quanh tôi sẽ mãi luôn như thế, không bao giờ thay đổi. Tôi nào hay thế sự đổi dời, đời con người ta có là bao giữa dòng thời gian vô tận. Mỗi lần tôi về, ký ức tuổi thơ tôi cất giữ nơi xóm nhỏ ấy trôi mất dần theo dòng sông thời gian. Đến một ngày, phải chăng sẽ chẳng còn lại gì ngoài một mảnh nhớ nhung mơ hồ hỗn độn!
Louise Glück nói đúng: chúng ta thật sự ngắm nhìn thế giới này một lần duy nhất khi còn là những đứa trẻ, phần đời còn lại chỉ là ký ức.