Ai Rồi Cũng Lớn

dsc04076
Tôi sanh ra và lớn lên trong một hẻm nhỏ ở Saigon. Ông bà nội lên Saigon trú ngụ chốn này vì xung quanh hầu như là bà con thân thuộc cùng quê hương xứ sở gốc gác.
Con hẻm của tuổi thơ tôi là một xóm người Hoa điển hình. Chợ Lớn cách đó không xa, nghe Mẹ kể là hồi mới về làm dâu Bà Nội hay dẫn Mẹ đi bộ ra chỗ đèn năm ngọn nổi tiếng của khu Chợ Lớn, Ba thì hoài niệm về ngày Tết hồi xa lắm, Bà Nội dẫn Ba ra chùa Minh Hương ngay gần đó. Mỗi năm đến mùa tháng 7 Âm Lịch, con nít xóm trong xóm ngoài nhộn nhịp cả tháng vì hết nhà này đến nhà khác xíu día (xíu vía?) cúng cô hồn.
Xóm người Hoa nên ồn ào, được cái không xô bồ chợ búa. Con hẻm không dài, từ đầu hẻm đến cuối hẻm mười lăm hai mươi căn nhà phố. Đầu hẻm ngày xưa là bà Lò Bánh. Tiếp nối theo là một vài nhà hình như cũng bà con đâu đó vòng vòng xa lắm nhưng vì ít qua lại nên tôi không nhớ. Cách nhà tôi hai căn là nhà ông Tám Chuột, cũng không hiểu sao gọi ông Tám Chuột nữa. Nhà tôi nằm gần cuối hẻm, một bên là nhà ông bà Tám quê Cầu Kè, một bên là ông bà Xị mà Ba Mẹ tôi hay gọi Củ Kiểm Xị. Đối diện nhà tôi là ông bà Bò Viên cùng cô con gái tên Múi (thiệt ra nhỏ lớn tôi cứ tâm niệm trong đầu là tên Muối, nhưng giờ nghĩ lại thì chắc không phải) và người con trai tên Tỉ. Cạnh đó là nhà bà Xừng Hủ Tiếu và nhà ông Tử sửa xe. Một vài căn nhà tiếp theo đó thuộc về bà Mười. Bà Mười có thể coi như đại gia của xóm này. Nghe kể rằng ngày xưa nguyên dãy nhà nửa cuối hẻm là của bà cho thuê, rồi dần dần bán lại cho khách thuê nhà, chỉ giữ lại một vài căn rộng rãi sau này cho mấy đứa con trai. Căn nhà cuối hẻm thuộc về ông Tám. Ông Tám này hình như là thành phần trí thức tiểu tư sản ngày xưa.
Nhà bà Lò Bánh rộng lắm, nguyên tầng trệt dành làm xưởng bánh. Bà làm bánh theo mùa, rộn rịp nhất là mùa Trung Thu. Trước Trung Thu cả tháng trời đã thấy nhà bà tích củi đặng đốt lò nướng bánh, rồi chồng bà và mấy đứa con trai sẽ nhào bột, làm nhưn, nướng bánh trung thu mùi thơm lừng bay khắp xóm. Tôi hông biết trong lúc chồng con nướng bánh bà làm gì. Chỉ thấy bà vận bộ đồ bộ, mang đôi guốc đi lộc cộc khắp nơi, gặp ai cũng cười tươi rói khoe hàm răng bọc bạc, bọc vàng. Chắc bà đi bán bánh! Bánh Trung Thu nhà bà làm ngon nổi tiếng, nhưn bánh chất lượng, lòng đỏ trứng muối thì khỏi chê, ai muốn bánh mấy trứng thì đặt mấy trứng. Bánh Trung Thu lúc đó cũng đơn giản, nhưn dừa, đậu xanh, hạt sen, thập cẩm chứ không như bây giờ bày đặt gà quay, vi cá, nhưn trà xanh tùm lum tá lả tam tinh. Lạ thì có lạ chứ cũng hông ngon bằng cái bánh của ngày xưa cũ. Rồi một thời gian qua, khoảng lúc tôi lớp 7 hay 8 gì đó không nhớ rõ, nhà bà không làm bánh nữa, bán nhà dọn đi nơi khác. Thi thoảng tôi vẫn thấy bà về xóm chơi. Xóm mất đi một lò bánh truyền thống.
Nhà ông Bò Viên đối diện có xe bò kho hủ tiếu bò viên, bán từ chín rưỡi tối tới ba bốn giờ sáng. Bò viên là ông tự làm nên cả xóm ai cũng thích, viên bò dai dai, có thịt bò thiệt chớ hổng phải ba cái chất tạo vị, chất làm dai quỷ yêu như bây giờ. Bò kho cô Múi nấu đậm đà, thơm lừng mùi gia vị, bò mềm nhưng không bị xảm, miếng gân bò thì dai dai xực xực, thiệt hông có chỗ bò kho nào ngon bằng. Mỗi đêm sau lúc bà Bò Viên, cô Múi đẩy xe đi bán, ông Bò Viên bắc cái ghế xếp ngồi trước nhà phe phẩy cây quạt, miệng ngâm nga vài khúc hát tiếng Hoa. Tôi nghe không hiểu nhưng chắc là mấy bài hát trong kinh kịch. Giọng ông ngâm nga trầm bổng lên xuống như cơn gió mát giữa đêm mùa hè.
Lâu lâu, mẹ tôi phá lệ dẫn tôi ra xe bò kho hủ tiếu bò viên của cô Múi bên kia đường ăn khuya. Dưới bóng đèn khuya vàng vọt, xe hủ tiếu như một đốm sáng lẻ loi giữa đêm ma mị đầy cuốn hút. Cô Múi cần mẫn đứng múc hủ tiếu mì cho khách bên hai nồi nước nghi ngút khói. Bà Bò Viên ngồi múc tương và sa tế ra chén, khách nào thích tương không thì lấy chén tương không, khách nào thích vừa tương vừa sa tế thì cũng có sẵn. Quanh xe hủ tiếu bày hai ba bộ bàn ghế con con. Cô Múi với bà Bò Viên lúc nào cũng nhìn tôi cười hiền, A Mẫn nay ăn gì!
Bây giờ ngồi nhớ lại, những buổi ăn khuya đó cứ như một giấc mơ xa xôi. Một giấc mộng tuổi thơ xa vời nhưng tôi vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ.
Bà Bò Viên lâm bệnh nặng rồi mất. Từ đó, tôi cũng ít thấy ông Bò Viên ngồi ngâm nga như ngày xưa, có chăng cũng là những bài hát rời rạc, u buồn. Rồi ông Bò Viên cũng đi. Ngôi nhà giờ còn cô Múi với anh Tỉ. Cô Múi một thời gian bệnh thập tử nhất sinh tưởng chừng không qua khỏi, xe hủ tiếu bò viên cũng bớt đi sự nhộn nhịp của những ngày cũ. Ngày tôi đi, cô lì xi tôi một hồng bao kèm chai dầu gió đỏ.
Hổm nghe Mẹ nói cô Múi bữa mất rồi, tôi cảm tưởng như một mảnh tuổi thơ tôi vụn vỡ tan vào hư không. Ngày bé dại, tôi cứ tưởng mọi sự là vĩnh cửu. Những con người tôi được gặp, những sự việc hàng ngày diễn ra quanh tôi sẽ mãi luôn như thế, không bao giờ thay đổi. Tôi nào hay thế sự đổi dời, đời con người ta có là bao giữa dòng thời gian vô tận. Mỗi lần tôi về, ký ức tuổi thơ tôi cất giữ nơi xóm nhỏ ấy trôi mất dần theo dòng sông thời gian. Đến một ngày, phải chăng sẽ chẳng còn lại gì ngoài một mảnh nhớ nhung mơ hồ hỗn độn!
Louise Glück nói đúng: chúng ta thật sự ngắm nhìn thế giới này một lần duy nhất khi còn là những đứa trẻ, phần đời còn lại chỉ là ký ức.

Night

sometimes I just feel it’s only me who never became who they thought they’d be

Lâu rồi mới thả bộ một mình về nhà giữa khuya. Hình như đêm ở phương trời nào cũng giống nhau, cũng một con đường dài lộng gió vàng ánh đèn khuya. Tôi nhớ một đêm nào đó ở Saigon, thời tuổi trẻ ngông cuồng, tôi cũng lang thang dưới ngọn đèn khuya nghe phố đêm thở dài trong gió, tôi núp ở một góc Saigon ngóng lên bầu trời đêm tìm kiếm một vì sao cho chính mình.

Non, Rien de rien Non, je ne regrette rien Car ma vie, car mes joies Aujourd’hui ça commence avec toi

Hồi đó nhiều mơ ước lắm, xách giỏ ngạo nghễ bước ra khỏi vòng tay của ba má. Thời gian dần trôi, đi đâu cũng thấy nhớ hoài câu hát ru hồi nhỏ của Mẹ:
“dí dầu cầu ván đóng đinh cầu tre lắt lẻo ghập ghềnh khó đi khó đi mẹ dắt con đi con đi trường hoc mẹ đi trường đời”
Đôi lúc cũng tự hỏi bản thân, ngày đó sao mình đành lòng bỏ hết mọi thứ ở Saigon mà ra đi? Bỏ hết vậy sau này liệu có hối hận không? Hối hận thì chắc không! Bởi điều mình mong muốn hơn tất cả mọi thứ là một gia đình nhỏ của chính mình. Cái này có lẽ là ảnh hưởng của gia đình. Một đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương của ba mẹ, giữa một gia đình hạnh phúc thì hiển nhiên điều nó hướng tới trong cuộc đời sẽ là một mái ấm nho nhỏ của riêng nó khi lớn lên.

Il est entré dans mon cœur Une part de bonheur Dont je connais la cause

Hồi nhỏ xíu, tôi ngồi bệt trên cuốn Atlas địa lý khổng lồ của Mẹ và hỏi liên tu bất tận về năm châu bốn biển. Từng chút một mỗi ngày như thế, khát vọng được đi khám phá thế giới rộng lớn kia nhen nhóm dần trong tâm khảm của đứa bé con ngày nào. Tôi nghĩ, một giấc mơ được nhen nhóm từ bàn tay của ba mẹ nó mạnh mẽ biết nhường nào.
Dù sao thì đi đâu, làm những điều gì, chỉ cần sau này nhìn lại, mình thốt lên không hề hối hận một câu thế này là được.

I did it my way

chuyện vặt ngày xưa

Tôi nhớ một ngày xa xăm của những năm tháng cũ,
Bữa đó đám giỗ dưới Ngoại, đám lớn lắm. Ngoại tất tả xẹt từ nhà trên xuống nhà dưới, từ nhà hông bên này thăm nồi khổ qua hầm xẹt qua đằng bên kia nêm nồi cháo gà. Ai cũng tất bật. Ông Ngoại sốt ruột có lỡ nạt một câu:
– trưa trờ trưa trật, bà làm chừng nào mới xong.
– chờ tui chạy giáp 10 vòng nhà mới xong lận. – bà Ngoại trả lời ông tỉnh rụi.
Một tối khác, trời đêm vắng vẻ, chỉ có tiếng ếch nhái oàm oạp ngoài mương lẫn tiếng chặc lưỡi của mấy con tắc kè trên xà nhà. Tôi ngồi với bà Ngoại ở nhà sau, tôi day mặt ra cửa. Ngoại thì day lưng ra phía ngoài ngồi gác một chân lên ghế. Với tay lấy đòn bánh tét máng trên cột nhà, Ngoại xắn một khoanh hỏi ‘Mẫn ăn không con?’.
Từ ngoài cửa, tôi thấy ông Ngoại đi đám trên xóm về. Ngoại chầm chậm bước vô cửa, không nói không rằng, hù bà Ngoại một cái. Bà Ngoại tui lúc đó tỉnh bơ hổng thèm day mặt lại:
– anh Hai mới dzìa đó hả!
Chỉ vậy thui, tui thấy ông Ngoại tui cười sáng bừng nguyên cái nhà sau.

All I Ask

If this is my last night with you
Like in a song they used to sing, Saigon chưa xa đã nhớ, I’ve been missing Saigon in my last few days staying here. That’s why there are so many great memories being posted on Facebook lately. It’s all about my sweet Saigon.
Hold me like I’m more than just a friend
Saigon is no friend to me, it’s more than a friend. This enchanted city is my childhood. There living my dearest Family, my sweetest Friends. It is right on this land that I had the first crush as well as listen to ‘From the bottom of my broken heart’ almost everyday. As such, this is a closet fulls of bitter and sweet moments.
Give me memory I can use Take me by the hands while we do what lovers do

tình yêu chưa xa đã nhớ lời yêu tan trong tiếng mưa

Saigon Đêm Muộn

it’s strange how your childhood sort of feel like forever. then suddenly you’re sixteen and the world becomes an hourglass and you’re watching the sand pile up at the wrong end. and you’re thinking of how when you were just a kid, your heartbeat was like a kick drum at a rock show, and now it’s just a time bomb ticking out. and it’s sad. and you want to forget about dying. but mostly you just want to forget about saying goodbye.
Beau Taplin
Saigon lạ quá! Saigon muốn nóng là nóng như điên, đến đêm lại đột ngột nổi gió. Ai bảo rằng Saigon không dễ thương, Saigon dễ thương lắm chứ bộ, như đêm nay vậy nè!
Tôi nhớ một đêm xưa Saigon trở gió lồng lộng. Tôi ngồi bên cửa sổ lặng nghe từng cơn gió ngoài kia cuốn trôi thật xa những vụn vỡ của mối tình đầu ngây dại. Chỉ có Saigon, gió, và đêm.
Tôi nhớ Saigon những ngày mưa dầm dề, cũng khung cửa sổ từ căn phòng nhỏ, tôi lặng nhìn mưa rơi trên phiến lá cây mận nhà đối diện. Ngày xưa đó, cuộc sống bình yên và giản dị đến lạ.
Ngày xưa, từ ban công nhà tôi thỉnh thoảng sẽ thấy một chiếc máy bay ngang qua trời. Tôi hỏi Mẹ máy bay bay đi đâu. Đi Mỹ, Mẹ tôi trả lời. Mỹ, một miền đất xa xôi mà những người trong xóm chỉ biết đến qua những lời kể không đầu không cuối của một vài người từ xứ đó về. Miền đất hứa, người ta nói với nhau như vậy.
Có lẽ từ những lần nhìn thấy máy bay xẹt ngang bầu trời xanh trẻ thơ đó mà tôi nhen nhúm được một lần ngồi thử lên con chim sắt ấy, xem xem nó sẽ chở mình tới tận nơi đâu. Hoa Kỳ, Úc, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Gia Nã Đại, Ái Nhĩ Lan, Anh Quốc, Tân Tây Lan… Mẹ đâu biết rằng những lúc thằng con ngồi trên cuốn Atlas địa lý khổng lồ hỏi về năm châu bốn biển, một ngọn lửa khát khao được đi tới tận cùng trời cuối đất đã nhen nhóm và lớn dần theo năm tháng.
Saigon nói nào ngay cũng có gì lạ đâu. Một thành phố trẻ mang nhiều dấu ấn của thời kỳ thuộc địa Pháp, như bao thành phố Đông Nam Á khác, cũng khói bụi, cũng nhà cao tầng, cũng đầy người và xe. Điều làm cho Saigon khác biệt trong tâm khảm chính là vì nơi đây tôi được sinh ra và lớn lên.
Kia là hàng hiên ngày xưa giấu Ba đi tắm mưa bị đòn tét đít. Đó là con đường rợp bóng cây Ba chở đi học mỗi ngày. Chỗ này là quãng phố ngập nắng lâu lâu con chở Mẹ tới trường. Tôi nghĩ người ta không nhớ Saigon khơi khơi, mà là nhớ những kỷ niệm được tạo dựng nơi này.

Saigon, đêm trời lộng gió
181216 115345

Tết Á

Vậy là Saigon đã bước sang năm mới. Ông trời cuối cùng cũng chịu bật máy lạnh với quạt gió ngay ngày Giao thừa.
Đứng ngay cửa ngóng lên trời đêm, gió lạnh mơn man trên mặt, mới thấy rằng người ta đi đâu làm gì đi nữa, cũng cần một hay một vài mái nhà đặng quay về.
Năm mới, mong ước duy nhất là mong cho sức khoẻ Ba Mẹ dồi dào.
Giao Thừa rồi á! Tết á!

Millions Years Ago

…it felt like million years ago…
Ai rồi cũng khác. Mình đổi khác, bạn đổi thay, Saigon cũng không còn như xưa.
Mình có với Saigon những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp. Thuở không âu lo vướng bận. Thuở còn thong dong rong ruổi chạy xe ngoài đường nghe ve kêu trên hàng me. Chính vì vậy, Saigon của tâm tưởng trong mình là một thành phố hối hả nhưng vẫn còn những phút thật bình yên. Saigon của những ngày mưa giăng từ sớm, chậm rãi qua đi một ngày, không vội vã, không bon chen. Saigon của một chốn cafe có những khung cửa ngập tràn ánh sáng mặt trời.
Rồi ra đi, rồi đổi thay. Góc kỷ niệm này đã không còn, góc phố ngày xưa kia nay cũng đã khác xưa. Mình cũng khác…
…nơi bình yên chim hót…
Dẫu vậy, mình chắc chắn có một chốn sẽ không bao giờ đổi thay. Mái nhà xưa nơi có Ba có Mẹ. Dầu có chuyện gì xảy ra, nơi này sẽ mãi như thế, sẽ luôn rộn ràng tiếng nói cười. Nơi mà tiếng nước sôi trong ấm cũng reo vang niềm hạnh phúc.
Saigon, 1224 060216

Năm Năm

DSC00937

Bữa đó Saigon nắng nóng lắm, tháng 6 mùa thi năm nào mà ông trời ổng hổng nắng như điên như vầy.

Tháng sáu năm đó, có thằng nhóc kéo vali, bỏ Saigon sau lưng, vượt đại dương đến với mùa đông.

Mùa đông của xứ sở xa lạ hoắc, nơi của những con người nói một thứ tiếng cũng lạ lẫm (xạo đó, không biết nói tiếng dễ dầu gì được cho qua bên này).

Lúc ra đi là lúc thằng nhỏ biết mình đã bỏ lại con đường hoa hồng sau lưng, bắt đầu bước từng bước trên một con đường khác. Con đường có hoa, có chó sói, có Thạch Sanh mà cũng lắm Lý Thông.

Vậy đó, mà đã năm năm rồi!

Thành Phố Của Tuổi Thơ

IMG_0398

1. Về với Saigon, là về với những kỷ niệm trải dài từ lúc bé xíu cho tới thời đại học. Những tháng năm đó, hạnh phúc đong đầy xen lẫn với nước mắt. Đó là hơn hai mươi năm của những nụ cười ngây ngô, của cái nhìn ngượng ngập đầu đời, của ánh mắt bối rối nhìn nhau một sáng mát trong dưới những hàng me trước mái trường cấp ba. Saigon nhìn tôi lớn, ngó tôi bước qua thời vụng dại cũng đầy lầm lỗi như tất thẩy những ai đã từng đi qua nó. Saigon chứng kiến tôi khoá những mảnh vụn của mối tình đầu vào hộp và mãi mãi không ngó lại nó nữa. Thành phố này do vậy mà luôn đặc biệt trong tôi.

2. Saigon của tôi, còn là ánh đèn màu, là bến Bạch Đằng ba hay chở tôi dạo một vòng những tháng năm bé dại. Con đường đó, ngọn đèn vàng đó, tôi bỗng thấy mình đang lướt qua nó trong vô thức, như một giấc mơ nào đó đang ngủ vùi bỗng trở mình thao thức. Tôi nhận ra, bao nhiêu năm trôi qua thì Saigon vẫn vậy, vẫn ánh đèn màu quyến rũ những đôi mắt trẻ thơ, vẫn là khát khao của bao người ước một lần được đến đây, được ở lại hầu an cư lạc nghiệp ở mảnh đất này.

3. Saigon bao năm rồi vẫn chẳng đổi thay. Chỉ có tôi đã không còn là thằng nhóc 18 tuổi ngày nào. Nhưng sao, mỗi lần về với Saigon, tôi như luôn được sống lại những tháng ngày đôi mươi ấy! Phải chăng vì tôi luôn có thể tìm thấy mình của ngày hôm qua?!?

4. Phong socola tuổi 18 ngọt ngào ngày xưa, nay chỉ còn là vị ngọt gắt nơi cuống họng.

Gió Cuối Mùa

20130820-232014.jpg

Tháng 8, cuối mùa đông, trời bớt lạnh hẳn và nắng ấm tràn về nhiều hơn, nhuộm vàng bãi cỏ trước nhà vốn xanh rì nay xơ xác sau một mùa lạnh. Mấy cụm hoa thuỷ tiên dọc đường len lén nở bông vì tưởng mùa xuân tới nơi mất tiêu rồi. Có dè đâu mùa đông núp sẵn đâu đó và chỉ chực chờ có vậy, nhảy bổ ra mà kêu lên rằng, mấy cưng ơi đừng vội mừng à nghen, trời nắng đẹp vậy chớ vẫn đang là mùa của tui đó nha.

Và như để khẳng định, mùa đông lấy hết sức mình thổi lùa những cơn gió cuối mùa rét mướt tràn qua thành phố. Ai đó quơ vội một manh áo ấm choàng lên người, quàng sơ sài chiếc khăn quanh cổ để làm dáng nhiều hơn là giữ ấm. Mọi người lại xuýt xoa nói với nhau, trời lạnh hén! Chỉ có thành phố vẫn bình thản, vì phố biết năm nào mùa đông chẳng làm vài cơn lạnh cuối mùa như vậy trước khi đi nghỉ dưỡng ở Bắc bán cầu, nhường Nam bán cầu lại cho mùa xuân tung hoành. Cứ như là mùa đông sợ mọi người ở thành phố này, sợ cả phố nữa, sẽ quên mất mình, sẽ quên rằng từng có mùa mọi người thu mình trong chiếc áo măng tô kiểu cách, thích thú lướt theo từng cơn gió lạnh trên phố.

Con người sống ở đời, phải chăng cũng sợ bị lãng quên như vậy?

Hôm nay khi thả mình trôi theo những cơn gió lạnh cuối mùa, tôi nghe lời phố thầm thì trong gió, quên sao được mà quên.